Vị trí: Lăng Thoại Ngọc Hầu thuộc xã
Vĩnh Tế, thị xã Châu Ðốc, tỉnh An Giang.
Đặc điểm: Lăng Thoại Ngọc Hầu
là một trong số nhiều di tích ở chân núi Sam. Tại đây có đền thờ ông Thoại Ngọc
Hầu, mộ ông cùng hai phu nhân được xây vào thập niên 30 của thế kỷ 20.
Nói đến An Giang, hẳn du khách đã
hơn một lần được chiêm ngưỡng những công trình tiêu biểu, gắn với một thời đi
khẩn hoang, lập làng bảo vệ biên cương Tổ quốc của Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn
Thoại. Ông là người có công đào kênh, đắp đường, góp phần xây dựng nên xứ sở An
Giang tươi đẹp ngày nay, với các công trình như: lộ núi Sam – Châu Đốc dài 5 km
được đắp từ năm 1826 – 1827, kênh Thoại Hà dài 30 km tại núi Sập được đào năm
1818. Người dân nơi đây gọi núi Sập là “Thoại Sơn” để ghi nhớ công lao Thoại
Ngọc Hầu.
Từ
năm 1819 – 1824, kênh Vĩnh Tế được xây dựng, với chiều dài hơn 90 km và số nhân
công lên đến 80.000 người, đây là một công trình kiến trúc tương đối qui mô,
nối từ Châu Đốc đến Hà Tiên rồi chảy ra vịnh Thái Lan. Để ghi nhận công đức
người vợ đắc lực của Thoại Ngọc Hầu, bà Châu Thị Tế, vua Minh Mạng đã đặt tên
con kênh là “Vĩnh Tế Hà”, và núi Sam được đổi thành “Vĩnh Tế Sơn”. Bên triền
núi Sam, Thoại Ngọc Hầu cùng hai người vợ yên nghỉ trong ngôi lăng đường bệ và
bên cạnh là ngôi đền thờ Ông.
Du khách có dịp đến Thất Sơn -
An Giang xin mời đến viếng thăm lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, ngắm dòng kênh Vĩnh Tế
xanh biếc hiền hòa.
Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, một danh tướng nổi tiếng của triều
Nguyễn. Ông sinh ngày 25/11/1761 tại Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, được phong
tước Ngọc Hầu. Ông mất ngày 06/6/1829.
Thoại Ngọc Hầu được triều đình
nhà Nguyễn phong tước hầu cử vào khai phá trấn giữ An Giang. Ông đã tập hợp lưu
dân hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi về ở các vùng Ông Chưởng (Chợ Mới), Núi Sập
(Thoại Sơn), Châu Đốc, Long Xuyên... Ông là người tổ chức đào kênh Thoại Hà
(con kênh có bề ngang 20 tầm - chừng 51m, dài 31.744m) và kênh Vĩnh Tế dài hơn
90km. Đào hai con kênh ấy trong thời kỳ công cụ lao động thô sơ và bằng tay,
chân quả là việc làm thần kỳ. Sau khi hoàn tất việc đào kênh, Thoại Ngọc Hầu
cho vẽ bản đồ trình triều đình Huế, được vua khen ngợi ban sắc chỉ cho lấy tên
người mà đặt cho tên kênh là Thoại Hà (kênh Thoại) và lấy tên vợ chính của ông
là Vĩnh Tế đặt cho kênh Vĩnh Tế. Để đánh dấu những công trình này, Thoại Ngọc
Hầu cho dựng bia làm kỷ niệm: bia Thoại Sơn, Vĩnh Tế Sơn. Đồng thời trước ngày
dựng bia, Ông cho nhiều toán người đi dọc hai bờ kênh, từ Châu Đốc đến Hà Tiên
tìm hài cốt những dân binh tử nạn mang về cải táng hai bên tả và hữu khuôn
lăng. Trong buổi lễ long trọng dựng bia kỷ niệm có đọc bài "Tế nghĩa trũng
văn", do Thoại Ngọc Hầu đứng ra chủ lễ. "Nghĩa trũng văn" là bài
thơ tế cô hồn tử sĩ, khắc ghi công lao và sự thương tiếc đối với binh sĩ, sưu
dân đã bỏ mình trong công cuộc đào kênh...