Mạc Cửu người Quảng Đông (Trung
Quốc), vì bất phục tòng nhà Thanh nên cùng đoàn tùy tùng xuống thuyền vượt biển
vào Nam, ghé qua nhiều nơi, sau cùng lui về vùng đất Hà Tiên chiêu tập lưu dân
khai thác nông nghiệp và đón khách thương hồ. Khi Chúa Nguyễn ở Đàng Trong mở
rộng thế lực đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Mạc Cửu liền dâng biểu xưng
thần và được Chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận, phong cho chức “Tổng binh trấn Hà
Tiên”.
Sau
khi qua đời, Mạc Cửu được nhà Nguyễn truy tặng “Khai trấn thượng trụ quốc, Đại
tướng quân Vũ nghị công”.
Sự nghiệp của Mạc Cửu còn nối
tiếp đến đời con ông là Mạc Thiên Tích, người đã thành lập Tao đàn Chiêu Anh
Các nổi tiếng với “Hà Tiên thập vịnh”. Đáng tiếc là hầu hết những danh thắng
được tao đàn xưng tụng đều đã đổi thay, duy chỉ có “Bình San diệp thúy”, nơi an
nghỉ của dòng họ Mạc là còn giữ được cái hồn của “Hà Tiên thập vịnh”.
Từ thị xã Hà Tiên đến Ao Sen
chừng 800 mét là tới chân núi Bình San, còn gọi là núi Lăng vì trên núi có lăng
mộ Mạc Cửu, các vị phu nhân, con cháu và tướng lĩnh của họ Mạc
Từ chân núi đi lên một đỗi,
trước mắt chúng ta là cổng đền thờ họ Mạc, có hai câu liễn đối bằng chữ Hán do
nhà Nguyễn ban tặng họ Mạc:
Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng
Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh
(Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ
Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu)
( Trương Minh Đạt dịch)
Tương truyền, xưa kia trên đỉnh Bình
San còn có nền Xã Tắc là nơi Mạc Thiên Tích thường đến tế chiến sĩ trận vong và
nền Xuyên Sơn là nơi làm lễ tế trời đất hằng năm vào ngày mùng chín tháng Giêng
âm lịch. Đi vòng theo chân núi chừng 3 cây số sẽ gặp một ngôi chùa do Mạc Thiên
Tích xây cho nàng thứ thiếp là Phù Cừ tu hành. Đó là chùa Phù Dung.
Trước năm 1975, cảnh quan Bình San
còn hoang sơ, cây cối um tùm không được khang trang đẹp đẽ như bây giờ, nhưng
lúc đó trước lăng Mạc Cửu có một cây mai bạch to lớn nổi tiếng khắp vùng, nhứt
là mùa trổ bông, hương mai thoang thoảng giúp cho mọi người cảm thấy lâng lâng,
sảng khoái. Đó là Nam mai , còn gọi là mai mù u. Trên thân cây có treo tấm bảng
“Cây mai được đưa từ Quảng Tây qua trồng vào năm 1720”. Nhà thơ Đông Hồ đã từng
đem hoa mai nầy ướp trà đãi khách quí ở Sài Gòn. Hiện nay cây mai nầy đã mất
dấu tích nhưng trên núi Bình San vẫn còn rải rác nhiều cây mai con