Đầm Ô Loan nằm sát quốc lộ 1A, dưới
chân đèo Quán Cau, cách thành phố Tuy Hoà 22km. Đây là một địa
danh gắn với phong trào Cần Vương của tỉnh Phú Yên.
Đầm Ô Loan rộng khoảng 1.200 ha.
Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như con phượng đang xòe cánh,
còn trên bản đồ, Ô Loan giống như con thiên nga đang thong thả bay.
Phía Tây đầm Ô Loan là những quả
đồi nhỏ nằm san sát nhau.Phía đông là mả Cao Biền. Dân gian cho rằng trên đường
đi ếm hại nhân tài nước Nam, Cao Biền đã bị trời chôn tại đây.
Thật ra, đây không phải là mả mà là
một cồn cát. Tuy nằm sát biển, sóng gió vô chừng nhưng nhờ có một luồng gió
xoáy mang cát bồi đắp, nên không khi nào mả bị sụp xuống thấp. Ô Loan là một
đầm nước lợ, gần như nằm trọn trong đất liền, có món đặc sản là sò huyết. Dưới thời phong kiến, các quan lại khi về Phú
Yên thường ra đầm Ô Loan thưởng ngoạn phong cảnh và thưởng thức món sò huyết.
Món đặc sản khác ở Ô Loan là hàu.
Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) nhà thơ nổi tiếng sành ăn đã từng đi khắp nước, ăn
khắp nơi, đến Phú Yên nếm món ngon vật lạ cũng khen rằng: “Phú Câu cước cá, Ô
Loan miếng hàu”. Hàu sống dựa vào các
tảng đá ngập mặn, có cạnh rất sắc. Hàu dùng để nấu cháo, nấu canh, xào, nhưng
ngon và hấp dẫn nhất là món hàu tái hoặc hàu trộn với đậu phụng và cà chua.
Món ngon vật lạ ở Ô Loan còn có cua
đế, còn gọi là huỳnh đế hay hoàng đế. Mai cua hoàng đế màu đỏ hoặc vàng đậm,
ngay khi cua còn sống ở dưới nước, đằng sau có một chùm lông vàng, ngắn. Đặc
biệt, loài cua này không bò ngang mà bò tới, vì càng và que đều mọc ở đằng
trước đầu. Ngoài ra, Ô Loan còn có tôm rằn, tôm bạc, mực, sứa, rau câu, điệp.
Giữa đầm có hai tảng đá lớn chồng lên nhau gọi là hòn Chồng.
Hàng năm đến ngày mùng 7 tháng
giêng âm lịch, lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng đầm Ô Loan được tổ chức. Hàng
vạn người từ khắp nơi về tham dự. Đây là một nét đẹp của văn hóa dân gian
truyền thống Phú Yên. Đầm Ô Loan đã được
Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích danh thắng quốc gia.